Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc: Công cụ đo lường hạnh phúc, sự hài lòng của người dân

VHO- Hôm qua 16.11, Sở VHTT TP.HCM - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Công tác gia đình TP đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TP.HCM”. Tại Hội thảo, nhiều người cho rằng, tiêu chí đưa ra trong Bộ tiêu chí là khá đầy đủ, bao quát nhưng nhiều chỗ còn chung chung.

Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc: Công cụ đo lường hạnh phúc, sự hài lòng của người dân - Anh 1

 Mô hình mà các thế hệ thích sống cùng một mái nhà hiện nay ngày một ít đi (Ảnh minh họa, tác phẩm tham gia cuộc thi ảnh về Gia đình)

 Theo Sở VHTT, những nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TP.HCM gồm 5 tiêu chí cụ thể: Ứng xử trong gia đình; Điều kiện vật chất; Điều kiện tinh thần; Giáo dục; Y tế - chăm sóc sức khỏe.

Tìm ra mẫu số chung là thách thức lớn

Khẳng định vị trí và vai trò của gia đình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh, gia đình sản sinh, nuôi dưỡng, dạy dỗ, bảo vệ, trao truyền tình cảm, tri thức, kinh nghiệm sống của thế hệ trước cho thế hệ sau; nắm giữ vị trí thiết yếu trong việc thực hiện bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc hiệu quả nhất, lâu bền nhất. Trong đời sống xã hội, gia đình luôn giữ vị trí quan trọng, là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc, sự gắn kết, tiến bộ của mỗi thành viên. Trong thực tế, giá trị bền vững của gia đình là điều kiện, tiền đề cho sự hình thành và phát triển nhân cách, bảo đảm cho sự sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong lao động, sản xuất…

Dưới góc độ là người trực tiếp tham mưu công tác quản lý và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí trong thời gian tới, ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT TP.HCM cho biết: “Chúng ta không triển khai đơn lẻ mà phối hợp chủ yếu ở phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Chương trình giảm nghèo bền vững. Chúng tôi có những so sánh, đối chiếu các tiêu chí, tiêu chuẩn giữa các nội dung và chúng có sự tương đương nhau”, ông Vương chia sẻ và cho biết thêm, từ những nội dung của Bộ tiêu chí này, các cấp, các ngành của TP sẽ cụ thể hóa những nội dung cần thực hiện bằng việc xây dựng các kế hoạch riêng, kế hoạch lồng ghép để tạo điều kiện cho các gia đình hoàn thiện tiêu chí của gia đình mình. Ngoài ra, sự tác động về cơ chế chính sách để khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện cho gia đình cũng sẽ được xây dựng.

Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Võ Trọng Nam chia sẻ, trước xu thế toàn cầu hóa, mẫu hình gia đình Việt Nam cũng có những biến đổi mạnh mẽ. Đó là sự thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình khi điều kiện kinh tế độc lập; tâm tư, tình cảm, lối sống, cách nghĩ của từng lứa tuổi quá cách biệt nhau dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn giữa những “cái tôi”. Gia đình hạt nhân đã dần thay thế cho mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ. Để tìm ra mẫu số chung cho một mô hình/tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc là thách thức lớn. Bộ tiêu chí sẽ là công cụ đo lường hạnh phúc, sự hài lòng của người dân TP trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững khi TP bước vào giai đoạn mới.

Bộ tiêu chí là định hướng phấn đấu

TS Nguyễn Thị Toàn Thắng, Học viện Cán bộ TP.HCM nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, các yếu tố điều kiện cấu thành nên bối cảnh văn hóa đã có sự biến đổi quá lớn so với truyền thống. Những biến đổi này cũng sẽ trực tiếp tác động và làm biến đổi các mẫu thức văn hóa trong gia đình Việt Nam.

Nếu như trong xã hội truyền thống với hoạt động nông nghiệp mang tính chất điển hình, tính di động xã hội kém khiến các thành viên trong gia đình có xu hướng gắn kết chặt chẽ với nhau. Thang đo giá trị cao nhất để thực hiện hệ giá trị trong gia đình là thang đo tình cảm, mức độ quan tâm, chăm sóc, chia sẻ giữa các thành viên. Tuy nhiên, xã hội hiện đại với những yếu tố văn hóa mới hình thành đã khiến cho mẫu thức văn hóa gia đình xuất hiện hàng loạt những yếu tố phi truyền thống. Trong bối cảnh mới, cuộc sống khiến cho mọi cá nhân trở nên quá bận rộn, sự đứt đoạn kết nối giữa các thành viên đã dần khiến tình cảm gia đình trở nên mờ nhạt, thậm chí các thành viên chỉ coi sự tồn tại của nhau như một liên hệ mang tính bắt buộc chứ không có cảm xúc tình thân. Sự kết nối lỏng lẻo thì xung đột gia đình càng có điều kiện xuất hiện.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Tôi đồng tình với ngành văn hóa là chúng ta không đem tiêu chí này ra đánh giá rằng gia đình nào hạnh phúc từng năm, chúng ta đang có tiêu chí gia đình văn hóa, thì giữ nguyên danh hiệu này, còn xây dựng Bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc để chúng ta có định hướng phấn đấu, có những chính sách phù hợp, tăng cường điều kiện vật chất, tinh thần cho người dân…”. Bà Thảo cũng cho rằng, có những tiêu chí còn khá cứng nhắc, cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn, Ví dụ, bổ sung tiêu chí “chung thủy” bên cạnh các tiêu chí cần thiết khác như nghĩa tình, yêu thương, chia sẻ, bình đẳng, tôn trọng trong quan hệ ứng xử vợ chồng; tiêu chí “mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con” cũng cần được điều chỉnh, theo hướng mềm dẻo, giảm tính áp đặt, bởi số lượng con cái (thậm chí không có con) trong một gia đình cũng khó đánh giá được gia đình đó có hạnh phúc hay không…

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM băn khoăn, thực tế cho thấy đang có những dấu hiệu về sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ gia đình, buông lỏng sự giáo dục của gia đình hay nói cách khác là phó thác sự giáo dục cho nhà trường và hậu quả của sự khủng hoảng về nhân cách của một bộ phận người Việt Nam. PGS.TS Đỗ Ngọc Anh hiến kế 5 nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm giải pháp về quản lý nhà nước, truyền thông, văn hóa, giáo dục và về kinh tế. “Truyền thông hiện nay chưa hướng vào việc xây dựng văn hóa gia đình, lấy ví dụ trong phim ảnh, hình ảnh người mẹ chồng gần gũi, yêu thương con dâu ít được nói đến, dẫn đến định kiến mẹ chồng - nàng dâu trong xã hội hiện đại vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, những mô hình có sự đề cao các giá trị truyền thống trong gia đình, trách nhiệm của người trẻ trong gia đình cũng ít được nói đến. Trong lĩnh vực giáo dục, Nhà trường chủ yếu truyền thụ kiến thức nhưng dường như ít dẫn dắt, dạy dỗ cho học sinh, nội dung giáo dục có thể tốt nhưng phương pháp truyền thụ chưa hiệu quả…”, PGS.TS Đỗ Ngọc Anh tâm tư. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc